Nữ sinh tăng từ 7.5 lên 8.5 IELTS sau hai tháng
Hạnh Ngân, 17 tuổi, tăng điểm từ 7.5 lên 8.5 IELTS nhờ cải thiện cách viết, đúng bản chất và logic hơn.
Nguyễn Thị Hạnh Ngân hiện là học sinh lớp 11 trường THPT Yên Hòa, Hà Nội. Tháng 8 năm ngoái, Ngân thi IELTS lần hai và đạt 8.5, tăng so với mức 7.5 cách đó hai tháng. Điểm thi từng thành phần của Ngân là Đọc 9.0, Nghe 8.5, Viết 8 và Nói 7.5, trong đó thay đổi đáng kể nhất là kỹ năng Viết tăng một điểm, các kỹ năng khác tăng nửa điểm.
Theo thống kê trên trang chủ IELTS, năm 2022, chỉ khoảng 1% số người thi IELTS ở Việt Nam đạt điểm 8.5 trở lên.
Ngân nhìn nhận ở mức điểm 7.5, các thí sinh thường đạt điểm Nghe và Đọc trên 8, nhưng kỹ năng Viết hay Nói loanh quanh 6.5-7. Việc tăng điểm từ 7.5 lên cao hơn trở nên khó khăn, không giống như các mức điểm ở dưới.
“Nếu như tăng từ 5.5 lên 6.5, học sinh có thể chỉ cần tập trung nhiều vào hai kỹ năng Nghe và Đọc. Tuy nhiên, ở mức điểm trên 8, tất cả các kỹ năng phải thật sự đều”, Ngân chia sẻ.
Theo nữ sinh, thay đổi tư duy trong kỹ năng Viết là yếu tố then chốt để tăng điểm.
“Khi ở mức điểm thấp, em thường nghĩ gì viết nấy. Mặc dù vẫn ra bài viết hoàn chỉnh nhưng có lỗ hổng về logic, gây mất điểm Coherence (mạch lạc)”, Ngân nói.
Trong hai tháng sau lần thi đầu tiên, Ngân tập viết 65 bài. Nữ sinh từ bỏ lối viết mẹo theo dạng bài mà tập suy nghĩ logic để viết đúng bản chất.
Ngân ví dụ, trong phần 1 (task 1) của IELTS Writing, yêu cầu mô tả biểu đồ. Ngân trước đây xử lý đề bài theo các dạng là biểu đồ đường, cột, tròn và bảng, nhưng lần này em tiếp cận theo bản chất của biểu đồ là đứng yên (static graph) và thay đổi (dynamic Graph).
“Nếu như biểu đồ nào không có sự thay đổi theo thời gian, đó là biểu đồ Static, còn nếu có thời gian là Dynamic. Khác biệt là ở chỗ, trong biểu đồ Static, ta cần tập trung so sánh dữ liệu, còn Dynamic cần nói nhiều hơn về xu hướng của dữ liệu qua thời gian”, Ngân chia sẻ.
Ngoài ra, nữ sinh cũng thay đổi một số điểm trong bố cục bài. Thông thường, Ngân viết bài với bốn đoạn, gồm giới thiệu, tổng quan và hai đoạn phát triển ý. Trong phần tổng quan, ngoài nêu được các xu hướng chung của dữ liệu hay biểu đồ, Ngân mô tả thêm dữ liệu nổi bật nhất.
Ngân cũng nhận ra sai lầm lớn nhất trong lần thi trước là chỉ liệt kê số liệu. Ở lần thi thứ hai, Ngân gom các số liệu có đặc điểm tương tự nhau vào một đoạn, sắp xếp theo thứ tự từ lớn đến bé và đưa ra sự đối chiếu, đánh giá. Cách làm này, theo Ngân, giúp thí sinh nhìn rõ sự biến động và sự tương quan giữa các dữ liệu. Ngân lấy ví dụ với biểu đồ về dân số tại một quốc gia, nếu chỉ liệt kê đơn thuần thì chỉ khai thác được tỷ lệ phần trăm dân số già, trẻ. Còn nếu đánh giá và đối chiếu số liệu, Ngân có thể khái quát xu hướng dân số đang già hay trẻ hóa.
“Đấy là điểm giám khảo đang tìm kiếm và sẽ giúp mình ăn điểm vì thể hiện được tư duy logic”, Ngân nhận định, cho biết việc ghi nhớ các từ vựng đặc trưng để sử dụng khi mô tả dữ liệu cũng rất quan trọng.
Trong phần 2 (task 2), trước khi viết, Ngân dành khoảng 5 phút tìm ý tưởng theo chiều ngang ở góc độ kinh tế, giáo dục và văn hóa, rồi suy nghĩ chiều dọc theo các cấp độ cá nhân, tập thể và xã hội, sau đó sắp xếp các ý.
Ngân lấy ví dụ về đề bài của mình trong ngày thi: “Động vật trên cạn và dưới nước đang gặp nguy hiểm bởi hoạt động của con người. Lý do là gì và có giải pháp nào”.
Đối với phần lý do, Ngân tiếp cận theo góc độ kinh tế và văn hóa, nhắc đến poachers (người săn bắt trộm) và loggers (lâm tặc), làm mất đi số lượng và môi trường sống của động vật trên cạn; việc xả thải sinh hoạt và doanh nghiệp gây hại đến môi trường. Từ đó, Ngân đề xuất các biện pháp từ nhỏ đến lớn như khuyến khích giảm thải bằng cách tạo việc làm cho các poachers, loggers; đề xuất chính sách green tax (thuế xanh) bằng cách bán ticket-to-pollute (vé xả thải) cho doanh nghiệp và xã hội.
“Việc này cho thấy mình là người có góc nhìn đa dạng. Đây không đơn giản là những ý tưởng bộc phát”, Ngân nói.